Saturday, July 30, 2011

Vienna - Thủ đô nước Áo


Vienna là thủ đô trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của nước Cộng hòa Áo. Thành phố lịch sử này đã được tổ chức UNESCO phong tặng danh hiệu Di sản thế giới.


Tòa thị chính

Vienna có dòng sông Danube êm đềm chảy qua thành phố, khu rừng Vienna xanh tươi bao bọc biến nơi đây thành một địa điểm lý tưởng tạo cảm hứng cho các nhà nghệ thuật nổi tiếng thế giới. Vienna cũng là cái nôi âm nhạc cổ điển châu Âu, với nhiều tên tuổi nổi tiếng như Haydn, Mozart, Beethoven…Đâu đâu cũng thấy di tích về các nhà âm nhạc vĩ đại đó, từ quảng trường, đường phố, công viên…

Nhà hát Opera
 
Đối với du khách, thành phố có cách bố trí rất tiện lợi: “Khu phố cổ” hay trung tâm thành phố, là địa hạt đầu tiên, với Stephansdom và Stephansplatz. Nó bao bọc bằng con đường vòng, một đại lộ rộng lớn xây dựng dọc theo tường thành cổ, đã bị đánh sập vào cuối thế kỷ 19. Dọc theo Đường vòng là nhiều tòa nhà to lớn và danh tiếng như Rathaus (Tòa thị chính), Quốc hội Áo, Cung điện Hofburg, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Bảo tàng Lịch sử Mỹ thuật và Nhà hát Opera Quốc gia.

Tòa nhà Quốc hội

Một bảo tàng ở khu Museum Quarter
 Cung điện mùa hè Schönbrunn Palace ở Vienna là một di sản văn hoá thế giới từ năm 1996. Cung điện này có khoảng 1,441 phòng và thu hút mỗi năm từ 7 tới 8 triệu du khách đến tham quan. Ngoài phòng ốc, hoàng cung này còn có hai vườn hoa đặc sắc, một theo lối Pháp, một theo lối Anh, một sở thú xưa cũ nhất thế giới còn tồn tại, một chuồng ngựa, gần 10 nhà kiếng để trồng cây v.v.

Vienna từng là thủ đô một thời của đế quốc Áo-Hung. Các vua chúa giòng họ Habsburg có hai cung điện rất lớn, cung điện chánh tên Hofsburg Imperial Palace, và cung điện mùa hè, Schonbrunn Palace.

Cung điện Schonbrunn
Vườn kiểu Pháp
Vườn kiểu Anh

Tại Vienna, một địa điểm được nhiều du khách tới tham quan là nhà thờ St. Stephen, được xây vào đầu thế kỷ 12, trên nền của 2 nhà thờ cũ trước đây bị tàn phá. Nhà thờ St. Stephen là một nhà thờ quan trọng nhất nước Áo, đã chứng kiến nhiều chuyện quan trọng trong lịch sử nước này, và là một nơi du khách phải đến xem mỗi khi đến tham quan Vienna.

Nhà thở St. Stephen

 Chính tại đây một nhạc sĩ nổi danh thế giới, Beethoven, đã phát hiện mình bị điếc hoàn toàn khi ông nhìn bồ câu bay ra từ tháp chuông, mà không nghe được tiếng chuông. Tại nhà thờ này có 23 chuông, chuông lớn nhất nặng 20,130 kg, và là chuông lớn nhất nước Áo, lớn hạng nhì Âu Châu, dùng các súng đại bác lấy của người Hồi giáo xâm lược đúc vào năm 1711.

Chuông lớn này được đặt tên là “Boomer”, khi chuông rung lên, tiếng chuông vang rền ai trong thành phố cũng nghe. Do đó chuông chỉ được rung lên mỗi năm vài lần vào những ngày lễ đặc biệt như Giáng sinh hay năm mới.

Nét hiện đại của Vienna

Friday, July 29, 2011

Venice - Thành phố của những cây cầu

Venice - Tiếng Ý là Venezia - là thành phố phía bắc nước Ý, thủ phủ vùng Veneto. Venice còn được gọi với tên khác như "Queen of the Adriatic", "City of Water", "City of Bridges", and "The City of Light". Thành phố nằm trải dài trên vô số các hòn đảo nằm trong quần thể gọi là Venetian Lagoon.

Thành phố này mang trong lòng một khối khổng lồ những công trình kiến trúc: 120 nhà thờ kiểu Phục Hưng Balook, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện. Ở giữa thành phố, có quảng trường Piazza San Marco và Tiểu quảng trưởng Piazzeta, xung quanh quảng trường có nhiều kiến trúc đẹp. Quảng trường Piazza San Marco (thánh đường St Mark, thánh nhân mà dân Venice thờ phụng) là biểu tượng của thành phố .



Venice vốn là thủ đô của những câu chuyện lãng mạn và trung tâm du lịch. Nó có đến 150 đường thủy, 400 cây cầu và hàng trăm cung điện, quảng trường được xây dựng từ thế kỷ thứ 16 và 17. Nhìn từ xa, nơi đây giống như chiếc phao nổi bồng bềnh một cách bí ẩn trên mặt nước. Nhìn gần hơn, bạn sẽ thấy nơi đây là một thành phố trang lệ mang dáng vẻ truyền thống vốn từng là trung tâm văn hóa của Châu Âu.




Thuyền Venice cổ là chiếc Gondola, dù cho ngày nay nó được dùng chủ yếu cho du khách, hay cho đám cưới, đám ma và các dịp lễ khác. Chiếc Gondola có chiều dài trung bình khoảng 11 mét và chiều ngang khoảng 1,5 mét, được cấu tạo gồm 280 mảnh gỗ rời khép kín vào nhau, thường là bằng gỗ Pak, trừ bộ phận tựa mái chèo bằng gỗ Walnit rất cứng rắn, và chiếc mái chèo nhẹ nhàng bằng gỗ Beech cho dễ xử dụng. Chiếc Gondola có đường cong phù hợp với trọng lượng vừa tầm cỡ của người chèo đò (các traghetti) để có sự cân xứng và mỹ thuật hài hòa.

Ngày nay tại Venice có khoảng 400 traghetti và nghề này được cha truyền, con nối, không truyền ra cho người ngoài. Họ mặc chiếc áo trắng sọc đen với quần đen và đội chiếc nón rơm có lằn vải xanh - đỏ tung bay trước gió tạo thành những nét đặc thù xinh đẹp của thành phố đầy thơ mộng và mỹ miều này.


Con kênh đào lớn ở Venice chính là con đường thủy dẫn ngay vào quận trung tâm của Venice. Nó có hình dạng chữ S và chảy xuyên qua cả thành phố. Dọc theo bờ sông có rất nhiều tuyến phà, thuyền riêng phục vụ cho du khách. Bạn sẽ nhìn thấy những tòa nhà xinh đẹp, những ngôi nhà thờ có từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 18 nằm dọc theo hai bờ kênh.





Điều mà du khách thích nhất khi du khách đến với thành phố này đó chính là không còn chịu đựng những tiếng ồn và giao thông phức tạp như khi ở những thành phố hiện đại, đặc biệt là kể từ khi xe hơi bị cấm lưu thông trong thành phố này. Thay vào đó, những con kênh đào đã thế chỗ cho những con đường. Đi thuyền dọc theo những khúc sông quanh co sẽ đưa du khách dạo chơi và ngắm nhìn những tòa nhà cổ có từ rất lâu đời. Còn trên đường phố chủ yếu dành cho người đi bộ. Bạn có thể dạo chơi trên những con đường khá hẹp ở Venice, lắng nghe những bản nhạc do những người nghệ sĩ đường phố biểu diễn, tiếng nước vỗ nhẹ vào bờ sông mỗi khi thuyền qua lại, hay chỉ đơn giản lắng nghe nhịp chân của bạn. Nếu bạn chưa có người yêu thì chắc chắn khi đến Venice, bạn sẽ muốn tìm ngay cho mình một người tri kỷ để cùng trải nghiệm và tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời nhất khi ở nơi này.




Những viện bảo tàng và cung điện ở Venice có trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Nổi bật chính là những tác phẩm do chính tay những bậc thầy nghệ thuật vẽ nên. Họ chính là Giovanni, Titian, Tintoretto, Giorgione và nhiều họa sĩ khác. Cách duy nhất để bạn có thể khám phá hết thành phố Venice đó là đi thuyền hoặc đi bộ. Bạn có thể làm một chuyến du lịch không kém phần lãng mạn cùng với người yêu của mình, cùng tay trong tay dạo bước, ngắm nhìn những cửa hàng mua sắm dọc những con phố, những khu khách sạn nằm nép mình bên trong những hẻm nhỏ hay những nhà thờ bằng đá được xây từ những năm thế kỷ 16 — 17 và vẫn còn đứng vững theo thời gian.



Thursday, July 28, 2011

Chuyện ở Sứ NP - Tập 1 với nhan đề Chơi Vơi



Ghi chú: Mọi tình huống và nhân vật trong phim là giả tưởng. Bộ phim không ám chỉ một cá nhân cụ thể nào cả.

Friday, July 15, 2011

Thành phố Pisa của nước Ý

Pisa là một thành phố ở Tuscany, nước Ý, có dân số khoảng 90.000 người. Pisa nổi tiếng với Tháp Nghiêng, nhưng đa số du khách đến đây đều đã biết rõ là không chỉ có thể tham quan Tháp Nghiêng mà thành phố này còn vô số kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.


Đài phun nước nhìn từ ga tàu ở Pisa

Pisa chia làm 4 khu lịch sử. Thành phố này còn nhiều điểm tham quan hơn là Tháp Nghiêng và có thể làm nhiều cuộc hành trình đi bộ khác nhau.

Piazza dei Miracoli – nằm phía Bắc của trung tâm Pisa. Đây là một công trình Di sản Thế giới do UNESCO phong tặng, bao gồm nhiều địa danh khác nhau:

Torre Pendente – Tháp Nghiêng. Tháp nghiêngPisa là một tòa tháp chuông được xây dựng năm 1173. Toà tháp cao 55,86 m từ mặt đất ở phía thấp nhất và 56,70 m ở phía cao nhất. Chiều rộng những bức tường móng là 4,09 m và ở trên đỉnh là 2,48 m. Ước tính trọng lượng của nó khoảng 14.500 tấn. Tháp có 294 bậc. Ngay trong khi xây dựng, người ta đã phát hiện toà tháp bị nghiêng. Hiện nay các biện pháp địa kĩ thuật đang được tiến hành nhằm đảm bảo độ ổn định cho tháp. Vẻ đẹp của tòa tháp cùng với độ nghiêng của nó cuốn hút khách du lịch hàng năm tới Pisa.

Tháp nghiêng với cây thước được dựng thằng để cho du khách biết độ nghiêng của tháp

Một chút lịch sử gắn liền với tháp nghiêng Pisa:


Galileo Galilei được cho là đã thả hai quả đạn ca nông có khối lượng khác nhau từ trên tháp để chứng minh tốc độ rơi của chúng độc lập với khối lượng. Dù nhiều phần của câu chuyện này được chính các học trò của Galileo kể lại, chúng vẫn chỉ bị coi là một huyền thoại đơn thuần. Tuy Galileo thực sự đã trèo lên đỉnh tháp và thả hai vật xuống nhằm chứng minh thêm cho lý thuyết đã được chứng minh của mình, nhưng có lẽ chúng không phải là những viên đạn đại bác.

Benito Mussolini đã ra lệnh dựng thẳng tháp lên, và bê tông đã được rót vào móng của nó. Tuy nhiên, kết quả thực tế chỉ làm tháp lún sâu hơn vào trong đất.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Đồng Minh khám phá ra rằng quân Phát xít đang sử dụng tháp làm một vị trí quan sát. Một trung sĩ bình thường của Quân đội Hoa Kỳ đã được ra lệnh quyết định số phận tháp. Ông ta đã không lựa chọn sử dụng cách tấn công pháo binh để bảo vệ công trình.

Ngày 27 tháng 2, 1964, chính phủ Italy yêu cầu hỗ trợ ngăn tháp không bị đổ. Tuy nhiên, việc giữ độ nghiêng hiện thời cũng là một yêu cầu quan trọng, vì vai trò rõ rệt của yếu tố này trong việc thu hút khách du lịch cho ngành công nghiệp này của Pisa. Một đội gồm các kỹ sư, nhà toán học, sử học đa quốc gia đã tham gia cuộc hội thảo trên đảo Azores nhằm thảo luận về các biện pháp ổn định tháp. Sau hơn hai thập kỷ hoạt động của dự án, tháp đã bị đóng cửa với công chúng vào tháng 1, 1990. Khi tháp bị đóng cửa, những quả chuông đã được chuyển đi nhằm làm giảm trọng lượng và các dây cáp được nịt quanh tầng ba níu giữ tháp. Những chung cư và ngôi nhà dọc theo hướng tháp được di tản để đảm bảo an toàn. Sau một thập kỷ sửa chữa và ổn định, tháp được mở cửa trở lại cho công chúng ngày 15 tháng 12, 2001. Mọi người khám phá ra rằng độ nghiêng tăng lên bởi các tảng đá xây nở ra và chèn ép lên nhau vì sức nóng của ánh sáng mặt trời. Đồng thời nền móng phía thấp cũng mềm hơn. Nhiều phương án đã được đề xuất để ổn định tháp, gồm cả việc đưa thêm 800 tấn chì vào nhằm làm đối trọng với phần đáy tháp đang nâng lên. Phương án cuối cùng ngăn chặn sự sụp đổ của tháp là hơi nâng thẳng tháp lên tới một góc an toàn hơn, bằng cách rút đi 38 m3 đất phía dưới đáy đang bị nâng lên. Tháp được tuyên bố đã ở tình trạng an toàn trong ít nhất 300 năm nữa.

Năm 1987, tháp được tuyên bố là một phần của Campo dei Miracoli Địa điểm Di sản Thế giới UNESCO cùng với thánh đường, nhà thờ và nghĩa trang bên cạnh.



Duomo di Pisa – Thánh đường Pisa: là một thánh đường lộng lẫy có nhiều tác phẩm nghệ thuật của Giambologna, Della Robbia và những nghệ nhân bậc thầy khác.





Battistero: Một tòa nhà Romanesque rộng lớn với nhiều tác phẩm điêu khắc và khung cảnh nhìn từ trên xuống rất đẹp. Leo lên đây nếu bạn muốn nhìn thấy Tháp Nghiêng rõ hơn.



Lungarno Mediceo và Lungarno Pacinotti, nằm bên bờ Bắc của sông Arno, Lungarno Galilei và Lungarno Gambacorti nằm bên bờ Nam: những con đường bên sông này đem lại cho Pisa một dáng vẻ đặc biệt, nhất là ban đêm khi ánh đèn phản chiếu xuống dòng sông Arno.

Sông Acno - Pisa

Thursday, July 14, 2011

Hiểu đời - Một bài viết đáng đọc

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.



Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc,cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.



Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mại; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.
Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu. Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.

Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.



Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình, biết đủ thì lúc nào cũng vui.

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.

Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.



Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)
Người khôn phòng bệnh , chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.

Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh…. Tất cả đều là muộn.


Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.


Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.


Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn./.

Tác giả Chu Dung Cơ

Florence - Cái nôi của nghệ thuật

Florence là thủ phủ của vùng Tuscany và tỉnh Florence nằm bên bờ sông Arno của Italy. Thành phố hàng ngàn năm tuổi này được xem là “cái nôi” của phong trào Phục Hưng châu Âu với thành tựu rực rỡ về hội họa và kiến trúc.


Năm 1982, Florence được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của thế giới. Năm 2007, Florence được Tạp chí du lịch uy tín Travel Leisure bình chọn là “Thành phố du lịch tốt nhất thế giới."

Florence đã từng là thủ đô của Italy từ năm 1865 đến 1871 trước khi thủ đô được dời về Rome. Ngày nay trung tâm của thành phố với nhiều nét kiến trúc từ thời trung cổ như đường sá nhỏ hẹp được lát đá, những ngôi nhà nhỏ xinh xắn được lợp ngói đỏ còn giữ được khá nguyên vẹn.

Florence sở hữu gần một nửa số công trình kiến trúc cổ và các tác phẩm nghệ thuật của Italy: từ quảng trường Piazza San Giovanni- trung tâm tôn giáo tiêu biểu nhất của thành phố với cụm ba công trình kiến trúc tôn giáo đỉnh cao là Nhà thờ lớn Santa Maria del Fiore; Tháp chuông Giotto’s Campanile; Nhà rửa tội Baptistery.



Nhà thờ lớn Santa Maria del Fiore được khởi công xây dựng từ năm 1296 theo lối kiến trúc Gothic, đến năm 1436 mới cơ bản hoàn thành, gồm hai phần: giáo đường phía trước bằng đá cẩm thạch nhiều màu và tòa nhà mái vòm phía sau với phần mái vòm được xây bằng gạch đỏ. Ngôi giáo đường rộng 38m, dài 153m, gồm một gian lớn chính ở giữa và hai gian bên, hợp thành hình một cây thánh giá.

Giáo đường có ba cánh cửa bằng đồng lớn có từ năm 1899, được trang hoàng với những cảnh từ cuộc sống của Đức Mẹ Madonna trong Kinh Thánh. Bên trên cửa chính treo chiếc đồng hồ lớn được thiết kế vào năm 1443, ngày nay còn hoạt động với chân dung của bốn nhà tiên tri. Trên đỉnh mặt tiền của giáo đường là các hốc tường với 12 bức tượng tông đồ của Chúa Jesus, Đức Mẹ Madonna và chúa Hài Đồng.

Bên trong giáo đường có một phòng triển lãm các bức tượng bán thân của những nghệ sĩ lớn người Florence. Phía sau giáo đường là tòa nhà mái vòm xây dựng từ năm 1420 đến 1436 - một kỳ công của kiến trúc sư Brunelleschi. Ông đã lấy cảm hứng từ mái vòm vĩ đại của Pantheon ở Rome. Công trình nặng tới 37.000 tấn, sử dụng 4 triệu viên gạch mà không cần một hệ thống đỡ phụ bằng gỗ. Trên đỉnh mái vòm có một quả cầu bằng đồng đỏ mạ vàng, bên trên là một cây thánh giá. Nhà thờ Santa Maria del Fiore còn nổi tiếng với 44 cửa sổ kính đổi màu - bộ kính đổi màu lớn nhất của Italy thế kỷ 14-15.

Cạnh nhà thờ Santa Maria del Fiore là tháp chuông Giotto’s Campanile đứng riêng lẻ cao 85m. Tháp gồm năm tầng trang hoàng với rất nhiều tượng bằng gốm sứ. Tháp chuông do nghệ sĩ Giotto bắt đầu xây dựng năm 1334 và được Francesco Talenti hoàn thành ba tầng trên cùng năm 1359. Những cửa sổ rất cao ở mỗi tầng tạo nên nét thanh thoát cho tháp chuông. Toàn bộ tác phẩm nghệ thuật ở tháp chuông đã được chuyển vào bảo tàng Opera del Duomo từ năm 1965 đến 1967. Những tác phẩm nghệ thuật hiện tại ở tháp chuông chỉ là các vật mô phỏng.

Đối diện với giáo đường Santa Maria del Fiore là Nhà rửa tội Baptistery, một trong những tòa nhà cổ xưa nhất thành phố được xây dựng từ khoảng năm 1059-1128 theo lối kiến trúc La Mã. Nhà rửa tội hình bát giác với bộ cửa bằng đồng có những hình chạm trổ rất công phu thể hiện những câu chuyện trong Kinh Thánh. Một trong những cánh cửa này đã được nghệ sĩ thiên tài Michelangelo gọi là “Cánh cửa thiên đàng” vì thể hiện sinh động nội dung của Kinh Cựu Ước.


Florence có rất nhiều viện bảo tàng và phòng triển lãm nghệ thuật nằm trong các dinh thự cổ kính. Các nơi này lưu giữ rất nhiều tác phẩm tranh, tượng điêu khắc, những bức bích họa và phù điêu đặc sắc. Nổi tiếng hơn cả là Viện Hàn lâm nghệ thuật “Accademia Gallery” trưng bày những bộ sưu tập hội họa lớn từ thế kỷ 13-18 của những nghệ sĩ lừng danh thế giới như Michelangelo, Leonard de Vinci, Raphael, Titren.




Accademia Gallery còn nổi tiếng bởi bức tượng điêu khắc David, kiệt tác của Michelangelo. Bức tượng khỏa thân bằng cẩm thạch, cao 5m mô tả chàng trai David trong Kinh Thánh trước khi đi đánh người khổng lồ Goliath, đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật điêu khắc. Michelangelo mất 3 năm để hoàn thành bức tượng, khi ông 29 tuổi. Hiện nay tượng David còn một phiên bản bằng đồng cũng cao 5m đặt tại quảng trường Michelangelo, nơi đặt bức tượng này trước khi được dời về Viện Hàn lâm nghệ thuật.



Ở Florence còn có cây cầu cổ Ponte Vecchio - một trong những cây cầu đẹp nhất bắc ngang sông Arno. Ponte Vecchio được xây bằng đá từ thời La Mã. Sau trận lụt năm 1333, cầu được xây dựng lại và định hình cho đến nay. Ponte Vecchio độc đáo ở chỗ hai bên thành cầu có những shop nhỏ bán đồ trang sức và tượng điêu khắc. Trên mặt cầu có một hành lang với mái che. Đứng giữa cầu có thể ngắm cảnh hai bên bờ sông Arno và những tòa tháp cổ kính vượt lên trên mái ngói của những ngôi nhà nhỏ xinh xắn.



Qua cầu Ponte Vecchio, phía bờ trái sông Arno có vô số xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, các nhà hàng truyền thống và quán rượu. Florence còn có công viên Bobili, một trong những công viên đẹp nhất nước Ý với rất nhiều tượng điêu khắc, vòi phun nước và một đấu trường hình vòng cung.../. (Source: Vietnam+)