Tuesday, September 06, 2011

Reichstag, Toà nhà Quốc hội Đức - Toà nhà lịch sử


Toà nhà Quốc hội Đức (Reichstag) không chỉ được biết đến như một toà kiến trúc cổ mà còn là một biểu tượng của đế chế Đức, một toà nhà mang trong nó những biến cố lịch sử thăng trầm. Ngày 8.5.2010 kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít và toà nhà Reichstag hơn hết trở thành biểu tượng của sức mạnh sự đoàn kết vươn lên và toả sáng của một dân tộc. 


Công trình kiến trúc Reichstag là cơ quan đầu não của đế chế Đức (Deutsches Reich) được khởi công từ cuối thế kỷ 19, là một công trình đồ sộ bằng đá với phong cách kiến trúc La Mã đầy uy quyền kết hợp với phong cách kiến trúc Baroque. Một công trình lớn với nhiều phòng làm việc, phòng họp, hội thảo, kho lưu trữ, hai giếng trời lớn nằm hai bên và trên nóc có bốn đài quan sát cùng với mái vòm Baroque và nhiều pho tượng đá. 


Trong Thế chiến thứ hai Reichstag đã bị hư hại nặng nề bởi bom của quân đồng minh, đặc biệt trong trận đánh toà nhà quốc hội kéo dài hai ngày từ 30.4 đến 2.5.1945 thuộc chiến dịch “Giải phóng Berlin”. 


Có thể thay đổi tên cho một toà nhà nhưng lịch sử đi cùng nó là bất biến. Tháng 3.1990, toà nhà Quốc hội Đức được mang một sứ mạng lịch sử mới khi Thủ tướng Helmut Kohl quyết định lấy lại tên Reichstag cho toà nhà này và từ nay Reichstag phải trở thành biểu tượng mới của nước Đức hợp nhất. 


Kiến trúc sư người Anh Norman Foster với sự cẩn trọng đối với một công trình nhạy cảm đã thực hiện một ý tưởng táo bạo: thiết kế một mái vòm mới tinh cho Reichstag. Thành công của ý tưởng đáp ứng sự mong đợi. Mái vòm Reichstag hiện tại là một vòm kính lớn cho phép quan sát toàn cảnh thành phố 360 độ. Từ trên đỉnh vòm có thể quan sát các tầng của toà Quốc hội, ánh sáng cũng từ đây lan toả tới các phòng làm việc tại các tầng. Kiến trúc sư đã thiết kế một nón xoáy với những tấm gương lật chuyển động, ánh sáng phản chiếu từ đó xuống các không gian chức năng. Công trình là một khối kiến trúc “ấn tượng chủ nghĩa” (impressionism) với đường nét thiết kế khúc chiết và mạch lạc với một khối lượng lớn những miếng kính gương. Chính giữa là nón xoáy với cầu thang chạy vòng quanh xoắn lên trên, cho ta liên tưởng tới kiến trúc vĩ đại của sự sống – cấu trúc xoắn ADN.





Với các tấm gương lật, không chỉ con người, mà cảnh vật cũng vận động (như trời mây) khi đọc những dòng lịch sử trên màn hình thì cảnh vật xung quanh cũng chuyển động trong tầm mắt - một hiệu ứng tuyệt vời. Vật liệu kim loại nhẹ trên cầu thang xoáy . Tâm của mái vòm với nhiều lớp kính lật, các màn hình được sắp thuận tiện để khách thăm quan đọc về lịch sử Reichstag cùng những diễn biến xung quanh nó. Hình ảnh phản chiếu do hiệu ứng gương đem lại cảm giác đan xen con người – kiến trúc – lịch sử  


Toà tháp được chiếu sáng hàng đêm, rực rỡ hình ảnh rạng đông – một “ngày mới” của nước Đức. Quan sát trung tâm thủ đô Berlin từ trong tầng kính là một cảm giác khó tả về vẻ đẹp rộng lớn với những công trình cổ và hiện đại đan xen. Hiệu ứng đạt được rõ ràng bởi cách dùng vật liệu kính – thép táo bạo và sáng tạo của KTS Norman Foster. Toà nhà mở cửa cho người dân tham quan quanh năm, có bốn sảnh vào để đón lượng khách lớn mỗi ngày. Một điểm rất đặc biệt trong toà nhà Reichstag là trong khi người dân ngắm cảnh bên trên mái vòm thì các phòng chức năng của chính phủ Đức vẫn hoạt động bình thường, các chính trị gia vẫn họp bàn và phụng sự nhân dân bên dưới. Người dân có thể nhìn thấy các nghị sĩ và phòng họp quốc hội qua lớp kính dưới sảnh vào. Đúng là cảm giác “công bằng, dân chủ, văn minh”.

Cầu thang xoáy mang hình tượng chuỗi ADN được làm bằng hợp kim nhẹ 


Kiến trúc sư Norman Foster đã xuất sắc trong ý tưởng và thiết kế bằng việc dùng hình ảnh chuỗi xoắn ADN với vật liệu hiện đại để đạt tới độ biểu hiện cao. Sự thành công của một giải pháp kiến trúc công cộng đã vượt qua cả cái đẹp đạt tới cái chân thiện mỹ. Norman Foster đã dùng biểu tượng của nguyên lý sự sống để diễn đạt sự trường tồn và đi lên của một dân tộc. Công trình toà nhà Quốc hội Đức – Reichstag đã thực sự trở thành điểm nhấn kiến trúc của Berlin, một biểu tượng mới của nước Đức thống nhất.
 




No comments: